Thực Tập Nghề Hoa Kỳ – Cơ Hội Và Thử Thách Để Khẳng Định Mình

Chào các bạn, mình là Khương Nam Thái, sinh viên khóa 42 CTTT trường Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên. Mình đã tham gia chương trình thực tập sinh sân Golf tại Hoa Kỳ và đã trở về Việt Nam sau thời gian thực tập 12 tháng, khoảng thời gian đầy những kỷ niệm đẹp nhưng cũng không ít những khó khăn và thử thách mà mình đã trải qua. Bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn lý do tại sao mình lại muốn tham gia chương trình thực tập nghề tại Mỹ và những kiến thức và kinh nghiệm quý báu mà mình đã học được trong quá trình thực tập nghề, hy vọng có thể giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về chương trình cũng như xác định con đường cho tương lai sau này.

Rất vinh dự và may mắn khi mình đã được chọn là một trong những người đầu tiên tham gia chương trình thực tập tại các sân golf chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Sau khi hoàn thiện hồ sơ và chờ làm thủ tục bay sang Mỹ, mình và các anh cùng khóa thực tập đã có cơ hội được tới thăm sân golf Đầm Vạc ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dù chỉ gặp và giao lưu trong thời gian ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ, nhưng mình vẫn luôn nhớ trong đầu hình ảnh vị giám đốc sân golf rất giản dị, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, và có một câu nói mà mình không bao giờ quên: “Tôi có thể sẵn sàng đào tạo các bạn kiến thức cách chăm sóc, bảo dưỡng cỏ, tên và phân loại các loại cỏ trong sân golf hay các loại sâu, dịch bệnh như thế nào, nhưng cái tôi cần là tác phong và thái độ làm việc của các bạn, khả năng lãnh đạo và giao tiếp là điều mà tôi mong muốn các bạn sẽ học hỏi được từ người Mỹ tại các sân golf chuyên nghiệp khi bạn tham gia chương trình thực tập nghề bên Mỹ”. Câu nói đó tác động trực tiếp tới mình, giúp mình nhận ra mình còn thiếu những điều gì ở hiện tại, và ngay lúc đó đã trở thành động lực cho mình hướng tới tương lai phía trước, quyết tâm đến Mỹ để học hỏi và nâng cao kinh nghiệm của mình.

Tòa nhà Club House Sân golf Đầm Vạc, Vĩnh Phúc

Mặc dù chuẩn bị rất kỹ kiến thức từ Việt Nam, với lòng đam mê và đầy nhiệt huyết của một sinh viên trẻ, nhưng khi đặt chân đến một môi trường hoàn toàn mới lạ, mình đã thực sự choáng ngợp và đã bị sốc về văn hóa, cuộc sống nơi đây. Khi tới sân golf Soutpointe Golf Club, thuộc bang Pennsylvania, thử thách đầu tiên mình và các bạn thực tập sinh nhóm mình gặp phải là đó là kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, và đây cũng là yêu cầu cơ bản đầu tiên cho các bạn muốn tham gia vào chương trình thực tập nghề tại Mỹ. Bởi vì người Mỹ họ rất sợ khi giao tiếp mà mình không hiểu họ, sẽ rất khó để họ truyền đạt hết những kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Thực sự thời gian đầu mình đã mất khá nhiều thời gian để lắng nghe thật kỹ cách người bản địa nói chuyện và cách người quản lý muốn truyền đạt lại mình. Mình vẫn nhớ những câu đầu tiên người quản lý hỏi: Tên bạn là gì? Bạn có nhớ tên của tôi không?

Chụp ảnh kỷ niệm cùng với ban quản lý sân golf Soutpointe Golf Club

Nói đến nước Mỹ, người ta hay nhắc đến hai từ “cơ hội”. Chính phủ Mỹ luôn đề cao quyền bình đẳng, trí tuệ con người và họ luôn trọng dụng nhân tài. Họ đặc biệt trao cơ hội học tập và làm việc cho những người xuất sắc và có đóng góp thực sự cho họ và sẽ rất khó cho những người không biết phấn đấu, cố gắng học tập. Người quản lý sân golf của mình luôn đối xử công bằng với tất cả mọi người và ông luôn nhắc bọn mình: “Vận hành một sân golf như một quy trình, một hệ thống, mỗi chúng ta đều là một mắt xích quan trọng trong chuỗi quy trình đó, khi làm việc chỉ cần một mắt xích làm sai hay làm không tốt, thì sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả công việc ngày hôm đó”, làm mình cảm thấy mình thực sự quan trọng trong một hệ thống như vậy, cố gắng hoàn thành tốt những công việc được giao. Hơn nữa, thái độ trong cách học tập cũng rất quan trọng. Khi làm những công việc cơ bản của việc chăm sóc cỏ như cắt cỏ sân Green, cắt cỏ Tee hay cào Bẫy hố cát thường xuyên trong vòng hai tháng, mình đã rất tự tin trong công việc và hiểu được quy trình vận hành sân golf ở đây. Và chính nhờ vào sự tự tin, sự may mắn và thêm vốn tiếng anh của mình, người quản lý sân golf đã cho mình một cơ hội để học lên một ví trí cao hơn, đó là công việc Course Setup trong sân golf. Công việc đòi hỏi phải có kỹ năng nghe tiếng anh tốt, kỹ năng điều hòa công việc dựa trên sự chỉ đạo của người quản lý và quan trọng là phải biết thay lỗ đánh golf mới trong sân Green nhanh, chuẩn xác.

Điều thứ hai, vì chưa có kinh nghiệm làm việc trong sân golf trước đó, nên mình đã phải học từ công việc “đơn giản nhất” ngay từ buổi đầu tiên đó là học lái xe Carts hay Gators. Đây là những loại xe mà hay dùng để phục vụ đi lại trong những quãng đường dài của mỗi hố sân golf và dùng để chuyên chở cho những máy móc, công cụ cần thiết cho việc chăm sóc và bảo dưỡng ngoài sân bãi. Việc lái xe tưởng chừng đơn giản nhưng đối với người chưa làm quen hay biết lái xe ô tô trước đó, mình đã rất run và sợ hãi khi tự cầm lái. Nhưng chỉ đúng ngày hôm sau, mình đã tự tin và tự di chuyển bằng chính chiếc xe Gator đi lại trên các lỗ sân golf.

Ngay buổi đầu tiên mình đã được học lái xe gator

Một ngày làm việc của mình trên sân golf thường bắt đầu từ 5h45 sáng, mình phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết của một Course Setuper bao gồm: Bộ dụng cụ cắt lỗ Green (Cup cutter), bộ dụng cụ sửa chữa và sơn bề mặt lỗ (Tools and Paint). Bắt đầu đi từ lỗ số 1, mình phải quan sát vị trí các vật đánh dấu – Markers gồm có: Tee Markers, Fairway Markers, thay đổi chúng nếu cần thiết để đảm bảo chỉ dẫn đúng vị trí cho khách chơi. Sau đó tới mặt sân Green, mình có nhiệm vụ là đổi chỗ lỗ đánh golf của ngày hôm trước, thay vào một vị trí mới dựa trên sự chỉ đạo của người quản lý. Và mình làm công việc liên tục trên từng lỗ golf tới khi hết 18 lỗ, mình phải làm đúng thời gian trong vòng 3 tiếng vì khi đó cũng là lúc khách chơi golf bắt đầu ra sân. Chỉ cần một lỗi nhỏ sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình công việc và làm chậm tiến độ trong một ngày, khi được phụ trách nhiệm vụ này mình phải hết sức tập trung tối đa tinh thần vào nó, chú ý lắng nghe kỹ từng đợt chỉ đạo của người quản lý và trợ lý sân golf trên bộ đàm – Radio.

Công việc thường ngày của một Course Setuper khi thay một lỗ golf mới

 Mình đã tiếp tục làm công việc này trong quãng thời gian còn lại thực tập tại sân golf Soutpointe Golf Club, học được rất nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là khả năng lãnh đạo Leadership, cách quản lý của người Mỹ. Cuộc sống xa nhà quả là quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách đối với sinh viên còn non kinh nghiệm như mình. Thay đổi thời gian sinh hoạt, phải dậy sớm từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị thức ăn trưa, ăn sáng. Nhưng đổi lại mình đã rèn được thói quen, làm việc theo khuôn khổ và tác phong làm việc chuyên nghiệp của người Mỹ, điều mà mình đã mong đợi khi còn ở Việt Nam.

Kết thúc 9 tháng thực tập ở sân golf Soutpointe Golf Club, mình đã được gia hạn hợp đồng thêm 3 tháng, làm việc tại một sân golf phía nam của bang North Carolina, tại thành phố cảng Wilmington, sân golf Eagle Point Golf Club. Tại đây mình được học nhiều điều mới hơn về hệ thống dẫn nước và thoát nước trong sân golf, cách trồng loại cỏ riêng biệt thích hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm nơi này. Mình cũng đã được học lái các loại máy như Tractor, máy ủi, máy xúc. Đặc biệt mình có cơ hội được học kỹ thuật phun nhựa lên mặt sỏi trong bẫy hố cát – Bunkers. Mục đích chính là dùng sự kết dính của nhựa gắn kết lớp sỏi để làm giá đỡ cho cát, cát sẽ không bị rửa trôi trên mép hố mỗi khi có mưa lớn. Khi được học kỹ thuật này đã giúp mình nâng cao được trình độ Tiếng Anh, được cử đi phun hố bẫy cát ở nhiều sân golf khác nhau trong và ngoài bang, giúp mình được mở mang kiến thức và học được nhiều kinh nghiệm trên nước Mỹ.

 

Chuẩn bị thiết lập và đo độ ẩm trong sỏi trước khi tiến hành phun nhựa

Tiến hành phun nhựa lên trên bề mặt sỏi

Khi được hỏi ước mơ của mình sau này là gì, mình đã trả lời với người quản lý sân golf là: “Tôi muốn dùng những kinh nghiệm và kiến thức học được trong sân golf ở nơi đây trở về và áp dụng nó nếu có cơ hội được làm việc trong những sân golf ở Việt Nam”. Mình muốn phấn đấu để trở thành người quản lý giỏi như ông, muốn chứng tỏ với người Mỹ rằng người Việt mình cũng không thua kém họ về trí tuệ, chỉ khác nhau về sự phát triển và mình muốn góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hình dung ra một phần công việc thực tập tại sân golf ở Mỹ, chuẩn bị vững chắc cho tương lai phía trước.

Hiện nay, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế – Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đang tuyển sinh cho khóa thực tập cho kì thực tập tại các sân golf và các trang trại khác vào năm 2017, các bạn sinh viên quan tâm xin vui lòng theo dõi qua đường link: http://tuaf.edu.vn/bai-viet/tuyen-sinh-thuc-tap-nghe-hoa-ky-2017-5091.html;

Tác giả bài viết: Khương Nam Thái
Nguồn tin: Chương trình thực tập nghề Mỹ

Bài Viết Liên Quan